Trong tiết trời của mùa xuân cũng là mùa lễ hội nên nếu có dịp lên Tây Bắc bạn sẽ không khỏi trầm trồ trước những dải hồng nhạt, trắng xóa của loài hoa này. Hoa ban có nhiều loại màu, nhưng chủ yếu là màu trắng phớt hồng, màu đỏ.
Hoa Ban là tên gọi theo tiếng thái, có nghĩa là hoa Ngọt một loài hoa mang rất nhiều ý nghĩa và giá trị văn hóa của dân tộc thái.
Hoa Ban được bắt nguồn từ chuyện tình Nàng Ban và chàng trai Khun một chuyện tình rất đẹp nhưng 2 người đã không đến được với nhau. Bởi vậy Hoa Ban có màu trắng tinh khiết của cô gái và màu tím thủy chung của tình yêu lứa đôi là biểu tượng cho sự thủy chung trong tình yêu đôi lứa. Và nó còn là biểu tượng của đạo hiếu đối với cha mẹ. Ngoài ra, Hoa Ban còn là biểu trưng thể hiện sự may mắn và những điều cao quý nhất.
Vì vậy, hằng năm, cứ độ xuân về Hoa Ban nở trắng vùng Tây Bắc, các chàng trai cô gái lại rủ nhau cùng đi chơi hội. Cùng nhau hát ca, múa xòe, hái hoa mừng xuân và thổ lộ tình cảm, đón nhận tình yêu đôi lứa. Thể hiện mong muốn có một tình yêu chung thủy sắt son như cặp đôi Khun và Ban.
Hoa Ban không chỉ mang cho con người những vẻ đẹp thuần khiết, mộc mạc mà còn đem lại cho con người về giá trị ẩm thực. Trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái thì lá Ban giúp mau lành vết thương, Hoa Ban ăn đẹp da. Không chỉ hoa và ngọn Ban có tác dụng bồi bổ sức khỏe, mà thân, vỏ của loài cây này khi phơi khô, sắc uống có thể chữa trị được các bệnh liên quan đến đường ruột. Hơn thế, sau khi ra hoa, kết quả, hạt của loại quả này còn có tác dụng giải nhiệt như một loại trà uống hàng ngày, nếu luộc hoặc nướng hạt Ban để sử dụng còn giúp tăng cường trí nhớ.
Dưới bàn tay của các bà, các chị, Hoa Ban trở thành một loại thực phẩm vừa giản dị, vừa dân dã mà không kém phần độc đáo. Đặc biệt là hoa và ngọn của cây Ban có thể dùng để để chế biến rất nhiều món ăn, với đặc trưng là mùi thơm dịu nhẹ, vị ngọt xen lẫn vị chát, có tính âm - dương hài hòa.
Trong rất nhiều món ăn được chế biến từ loài hoa này, đầu tiên có lẽ phải kể đến món nộm Hoa Ban với măng đắng. Ngoài món nộm Hoa Ban với măng đắng thì đồng bào dân tộc Thái Điện Biên còn có rất nhiều các món ăn khác được chế biến từ Hoa Ban.