HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC Ở TRƯỜNG PTDTBT TIỂU HỌC KEO LÔM
- Thứ hai - 28/09/2020 15:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Năm học 2020-2021, nhà trường có 4 lớp 1 với 88 HS. Theo đó, ban giám hiệu nhà trường cũng đã phân công 4 giáo viên có năng lực chuyên môn, đã tham gia bài Test sử dụng sách giáo khoa lớp 1 đạt điểm tối đa 4/4 đ/c, các đ/c GV được tiếp cận nhanh với chương trình GDPT mới phụ trách dạy lớp 1. Ngoài ra, nhà trường cũng đã rà soát, bổ sung cơ sở vật chất bảo đảm đủ và ưu tiên về phòng học, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho khối lớp 1. Về việc lựa chọn sách giáo khoa, quán triệt nghiêm túc cũng như tận dụng thời gian HS tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh do COVID-19, nhà trường đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên (CBGV) nghiên cứu, trao đổi, thảo luận về các bộ sách. Kết quả, hội đồng lựa chọn sách nhà trường đã thống nhất chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” sử dụng trong năm học mới 2020-2021. Nhà trường đã tổ chức tuyên truyền tới học sinh, phụ huynh học sinh. Trong buổi tuyên truyền với phụ huynh hs thầy Vũ Xuân Định – Phó hiệu trưởng nhà trường đã giới thiệu về chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của nhà trường trong việc chuẩn bị thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 vào năm học 2020 – 2021. Thầy đã đưa ra một số ví dụ cụ thể, gần gũi về việc dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh và giới thiệu những thay đổi cơ bản đối với lớp 1 như: Chương trình sẽ được học 2 buổi/ngày với 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, giảm lý thuyết thiên về trải nghiệm; mục tiêu GDPT, quy định yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực đối với học sinh, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học, chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm sáng tạo (gọi chung là môn học) ở mỗi lớp và mỗi cấp học của GDPT”
Nhà trường cũng luôn quan tâm chú trọng đến việc đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức hoạt động dạy và học phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý học sinh dân tộc thiểu số. Xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học. Chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh trình bày, thảo luận, luyện tập, thực hành, củng cố kiến thức đã học. Song song với hoạt động dạy học, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, thực hành, những việc làm cụ thể nhằm phát triển, nâng cao các tố chất và tiềm năng của bản thân học sinh, nuôi dưỡng ý thức sống tự lập, đồng thời quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh, phát huy vai trò chủ thể, tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của học sinh đồng thời tạo cơ hội để học sinh tăng cường rèn luyện và giao tiếp tiếng Việt
Thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, các buổi sinh hoạt bán trú, hoạt động thể dục, thể thao, giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống, giáo dục thẩm mĩ, giáo dục thể chất, giáo dục lao động, giáo dục an toàn giao thông, giáo dục bảo vệ môi trường, phòng chống ma túy, giáo dục phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó nhà trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức lễ hội, tết dân tộc. Đặc biệt câu lạc bộ nghệ thuật của học sinh được duy trì hoạt động luyện tập, biểu diễn thường xuyên.
Nhà trường thành lập Tổ quản lý học sinh bán trú và xếp lịch trực 24/24 quản lý theo dõi các hoạt động của học sinh. Thực hiện hợp đồng nhân viên nấu ăn theo quy định. Với số tiền và gạo của nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP nhà trường tổ chức nấu ăn 3 bữa cho học sinh.
Cô giáo Phạm Thị Liền, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Mô hình trường PTDTBT rất phù hợp với điều kiện của địa phương, học sinh được ăn, ở và học tập trong môi trường tập thể giúp các em học tập tốt hơn, kỹ năng sống được rèn luyện thường xuyên và đặc biệt hoạt động giao tiếp tiếng Việt có nhiều cơ hội được thực hiện giúp học sinh giao tiếp tự tin hơn. Do điều kiện kinh tế của phụ huynh học sinh còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên việc vận động xã hội hóa phục vụ các hoạt động giáo dục của nhà trường còn rất hạn chế. Chính sách hỗ trợ của nhà nước theo Nghị định 116/2016/NĐ/CP với biến động của thị trường và đặc điểm là xã vùng cao giá cả của các loại thực phẩm rất đắt đỏ. Mặc dù rất khó khăn nhưng theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã tổ chức nấu ăn 3 bữa/ngày cho học sinh, tổ chức cho học sinh tăng gia trồng rau sạch để bổ sung nguồn thực phẩm cho nhà bếp. Bữa ăn đảm bảo đủ dưỡng chất, thực đơn được thay đổi thường xuyên chính vì thế mà thể trạng của học sinh được cải thiện đáng kể”.
Việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện các phẩm chất và năng lực nhằm giúp học sinh phát triển nhân cách một cách toàn diện là một quá trình lâu dài liên tục, diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau. Vì thế, việc giáo dục nói chung và giáo dục học sinh nói riêng luôn luôn đòi hỏi sự phối kết hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng xã hội và nhất là đòi hỏi sự quan tâm đúng cách giữa nhà trường và gia đình. Nắm bắt được đặc điểm quan trọng đó nên nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình thông qua các cuộc họp phụ huynh học sinh thường xuyên và xuyên suốt năm học. Qua buổi họp PHHS cho thấy được sự quan tâm của cha mẹ học sinh đến công tác giáo dục, đây có thể nói là một bước chuyển biến tích cực.
Trong buổi họp đầu năm, Cô giáo Phạm Thị Liền – Hiệu trưởng nhà trường đã thông qua các thành tích mà thầy và trò nhà trường đã đạt được trong năm học 2019-2020 và các khó khăn tồn tại của nhà trường, triển khai các kế hoạch, chỉ tiêu của nhà trường trong năm học 2020-2021
Bên cạnh đó nhà trường cũng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các bậc phụ huynh thông qua những ý kiến đóng góp quý giá dành cho nhà trường. Mong muốn của các thầy cô giáo là cầu nối giữa cha mẹ, thầy cô và học sinh để giữa các bên luôn có sự sẻ chia, đồng cảm và trao đổi với nhau mọi vấn đề một cách cởi mở, gần gũi nhất./.