PHÒNG GIÁO DỤC HUYỆN ĐIỆN BIÊN ĐÔNG - TỈNH ĐIỆN BIÊN

https://pgddienbiendong.edu.vn


THI KHOA HỌC KỸ THUẬT CẤP TỈNH NĂM HỌC 2022 – 2023

Trong không gian văn hóa cổ truyền của các dân tộc Tây Bắc thì Điện Biên được khẳng định là một trong những địa danh quan trọng nhất bởi tính điển hình và quá trình lịch sử tộc người khai khẩn chinh phục thiên nhiên; quá trình cư trú; quá trình tộc người cộng cư, cộng cảm qua các phân kỳ lịch sử và bởi các giá trị văn hóa phong phú đa dạng còn lắng đọng, ẩn chứa trong đời sống của các dân tộc bản địa có mặt từ rất sớm.

Điện Biên là vùng đất cư trú lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số giàu bản sắc văn hoá, nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển và hội nhập quốc tế trong đó có hội nhập về văn hoá. Đồng bào các dân tộc thiểu số Điện Biên nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Chiềng Sơ huyện Điện Biên Đông nói riêng  hiện còn lưu giữ được kho tàng di sản văn hóa vật chất và phi vật thể với nhiều loại hình có giá trị thực tiễn và giá trị nghệ thuật, trong đó việc chế tạo các sản phẩm thêu, dệt, may  những hoa văn  truyền thống và sử dụng nó trong các môi trường lao động và trong các không gian đời sống sinh hoạt và trình diễn rất tiêu biểu. Các môi trường sinh hoạt đó như: ở trong gia đình, trong lao động, trong lễ hội cộng đồng, trong cưới hỏi, trong sinh hoạt tâm linh, đều để lại những dấu ấn về kỹ thuật và tư duy văn hóa, sự nhận thức của con người đối với tự nhiên, xã hội.
Mỗi tộc người đều có cách thêu, dệt với sự trang trí hoa văn khác nhau, nó là chỉ dấu, là bản sắc của tộc người. Hoa văn như ở người dân tộc Xinh Mun là cả một ý niệm về văn hóa, về thế giới tự nhiên, về vũ trụ, về kinh nghiệm sản xuất  và đôi khi còn là bùa chú cầu an. Việc thêu, dệt trước đây do người phụ nữ tự trồng bông, lanh, nuôi tằm se sợi dệt nhuộm và tự thêu thùa  may lấy.  
Dân tộc Xinh Mun tại tỉnh Điện Biên chỉ có duy nhất ở xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông. Cũng như các nhóm dân tộc khác tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Xinh Mun cũng có nền văn hóa đa dạng, các phong tục, tập quán, các giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Một trong số đó là nghề thêu, dệt hoa văn trên vải của dân tộc Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ huyện Điện Biên Đông.
Từ những lý do trên Trường PTDTBT THCS Chiềng Sơ đã chọn sản phẩm KHKT dự thi cấp tỉnh với tên gọi: “Gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống hoa văn trên vải của dân tộc Xinh Mun trên địa bàn xã Chiềng Sơ huyện Điện Biên Đông - tỉnh Điện Biên phục vụ phát triển du lịch” làm đề tài nghiên cứu của mình.
Gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống  hoa văn trên vải và tìm hiểu sâu về nghề “thêu, dệt  ” hoa văn trên vải  của dân tộc Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ, đây là một đề tài từ trước đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu và công bố.    
Tại xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông – nơi có người Xinh Mun sinh sống tập trung ở 07 bản gồm: Pá Hịa, bản Kéo Đứa, bản Kéo, bản Huổi Hu, bản Hin Óng, bản Nà Ly, bản Co Mỵ. Tên bản được đặt theo nghĩa và cách phiên âm của người Thái như: Nà Ly - ruộng xa, Hin Óng - đá đen, Co Mỵ - cây mít, ... Dân tộc Xinh Mun chiếm 40% dân số xã Chiềng Sơ.
Những nét hoa văn  là mặt tiền và là thông điệp riêng mang bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Người Xinh Mun có những nét hoa văn không giống dân tộc khác,  Trong đó rõ nét nhất là những nét hoa văn trên vật dụng của phụ nữ.
Hoa văn các dân tộc chung nhau nhiều yếu tố trang trí. Các hoa văn được cách điệu hóa dưới dạng hình học, phần lớn là: ô chéo, ngôi sao tám cánh, móc câu, chữ thập, hồi văn, hình vuông thủng, đường thẳng, hình thoi, đường zích zắc... tuy nhiên mỗi dân tộc đã tiết chế ra những mẫu trang trí khác nhau về tính cách với nhiều biến dạng phong phú mang đậm màu sắc của núi rừng và thiên nhiên. Có những hoa văn  động vật điển hình thì có: rồng, hươu, nhện, bướm, ếch, rùa, công, phượng, chim,... đó là những con vật gắn bó, gần gũi với cuộc sống của dân tộc Xinh Mun, các hoa văn được kết cấu một cách linh hoạt, lồng ghép, chồng xếp, móc nối... trên nền vải nhưng không làm phá vỡ bố cục chung
Đề tài không chỉ nói đến mục đích sử dụng của các sản phẩm thêu, dệt có hoa văn mà nó còn nói đến những điều kiêng kị, những nỗi niềm cầu mong, cả tri thức dân gian gắn theo từng sản phẩm. Mong muốn các bạn học sinh hiểu biết hơn nữa về người Xinh Mun, hiểu được ý nghĩa sâu xa thông qua vật dụng, các tín hiệu trong nhà của người Xinh Mun. Góp phần cung cấp thông tin cho các đối tượng cán bộ, đang hoặc sắp được phân công công tác, làm việc trên địa bàn người Xinh Mun cư trú, hiểu biết cơ bản về phong tục tập quán của người Xinh Mun. Góp phần cung cấp thông tin cho các thế hệ trẻ người dân tộc Xinh Mun hiểu sâu hơn về nết ăn ở của cha ông, nghề nghiệp truyền thống của cha ông. Thế hệ trẻ người Xinh Mun sẽ tự rút ra được bài học cho mình, tự rèn luyện cho bản thân mình về đức tính chịu thương chịu khó, về sự kiên trì, về sự tỷ mỉ, tình đoàn kết trong cộng đồng.
Đề tài được thực hiện đã góp phần gìn giữ bản sắc Văn hóa dân tộc Xinh Mun nói chung, nghề thêu, dệt của người Xinh Mun nói riêng. Góp phần thúc đẩy tình yêu của các em học sinh và thế hệ trẻ người Xinh Mun đối với bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Bằng sự nhiệt huyết với đề tài, sản phẩm KHKT của các em học sinh Lường Thị Tiên lớp 9A3 và học sinh Lường Thị Quyên lớp 9A1Trường PTDTBTHCS Chiềng Sơ đã đạt giải Ba cuộc thi kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2022 – 2023.

Nguồn tin: pgddienbiendong.edu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây