PHÒNG GIÁO DỤC HUYỆN ĐIỆN BIÊN ĐÔNG - TỈNH ĐIỆN BIÊN

https://pgddienbiendong.edu.vn


Mô hình 3 "cứng" - Giải pháp xóa phòng học tạm

Chỉ mất 50 triệu đồng là có thể xây dựng được một phòng học theo mô hình 3 "cứng", đó là cách làm mà huyện Điên Biên Đông đang triển khai để xóa các phòng học tạm, nhà ở nội trú, công vụ.
Mô hình 3 "cứng" - Giải pháp xóa phòng học tạm
Sau hơn 1 năm triển khai đến nay, huyện Điện Biên Đông đã xây dựng được 106 phòng học, nhà ở nội trú và nhà công vụ giáo viên theo mô hình 3 cứng. Có thể khẳng định mô hình phòng 3 cứng đã và đang làm thay đổi về cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp giáo dục của huyện nghèo Điện Biên Đông.

Chỉ mất 50 triệu đồng là có thể xây dựng được một phòng học theo mô hình 3 “cứng” là Mái cứng, khung cứng và nền cứng

Trong những ngày tháng 4 lịch sử chúng tôi có dịp đến thăm trường tiểu học xã Mường Luân – đây là ngôi trường được xây dựng hoàn toàn theo mô hình 3 cứng. Không được khang trang như những ngôi nhà xây kiên cố, nhưng những phòng học, nhà công vụ giáo viên, nhà hiệu bộ được dựng lên với các nguyên vật liệu như: Tôn, khung sắt khá chắc chắn phần nào đáp ứng được đầy đủ điều kiện học tập của thầy vào trò nơi đây.

Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Đinh Quang Vinh  - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường tiểu học Mường Luân được thành lập đến nay đã hơn 10 năm. Vì không có kinh phí xây dựng, trước đây nhà trường phải mượn tạm cơ sở vật chất của trường THPT để hoạt động và đến năm học 2016 – 2017 nhà trường mới được di chuyển đến địa điểm mới. Để có một ngôi trường như hôm nay là nỗ lực, cố gắng và công sức của chính quyền, nhân dân trong xã Mường Luân và đội ngũ các thầy cô giáo của nhà trường sau nhiều tháng lao đông vất vả.

Sau khi vận động người dân hiến hơn 3500 mét vuông đất, với nguồn kinh phí hạn hẹp được trích ra từ nguồn tiết kiện chi cho sự nghiệp giáo dục, nhà trường được xây dựng theo mô hình 3 cứng. Trong đó, chi phí cho mỗi phòng học và phòng làm việc 50 triệu đồng bao gồm tiền nguyên vật liệu như: Tôn, khung sắt, gạch và xi măng.

Với điều kiện của một xã vùng sâu,vùng xa giao thông đi lại khó khăn với số 50 triệu đồng khó có thể xây dựng được phòng học. Tuy nhiên, để có những phòng học chắc chắn, đảm bảo điều kiện về học tập nhà trường đã vận động chính quyền và nhân dân đóng góp trên 300 ngày công lao động, 80 mét khối cát, sỏi và các thầy cô giáo trở thành các thợ xây, thợ hàn bất đắc dĩ.

Với tinh thần tạo mọi điều kiện tốt nhất dành cho con em và học sinh có môi trường học tập tốt, sau nhiều tháng lao động vất vả, thầy cô quên cả những ngày nghỉ hè, các bậc phụ huynh dồn sức cùng nhà trường xây dựng ngôi trường theo mô hình 3 cứng. Ngôi trường hoàn thiện dựng lên với 6 phòng học, 1 phòng hội đồng và 4 phòng chuyên môn, tổng giá trị 550 triệu đồng .
 
Nếu như trường tiểu học xã Mường Luân được xây dựng theo mô hình 3 cứng đã giúp cho thầy và trò nơi đây có những phòng học và phòng làm việc chắc chắn, đảm bảo được điều kiện học tập, thì ở trường THCS Mường Luân mô hình 3 cứng đã giúp nhà trường xóa những phòng học tạm tranh tre dột nát thay vào đó những phòng làm việc đáp ứng nhu cầu phát triển của giáo dục. 

Năm học 2015 – 2016, đến với trường THCS Mường Luân chúng ta chỉ thấy có duy nhất  một dãy nhà được xây dưng bởi dự án kiên cố hóa trường lớp học từ năm 2010, nhà trường luôn trong tình trạng thiếu các phòng học, phòng chức năng. Việc thiếu phòng học nhà trường đã phải cho học sinh học 2 buổi trên ngày. Để xây dựng được một phòng học theo mô hình 3 cứng với giá trị 50 triệu đồng là việc làm khá khó khăn. Xác định, bên cạnh nguồn lực bằng cách xã hội hóa của chính quyền xã và phụ huynh học sinh nhà trường còn vận động các thầy cô giáo đóng góp ngày công, sức lao động.

Với phương châm sáng cầm phấn lên bục giảng, chiều làm thợ xây, thợ hàn, thợ sắt, cán bộ giáo viên nhà trường tranh thủ mọi thời gian, điều kiện tập trung xây dựng các phòng học nên chỉ hơn 2 tháng 4 phòng học và 1 phòng hội đồng đã được hoàn thiện theo mô hình 3cứng.

Toàn bộ các hạng mục như: Tường xây, hàn xì, bắn tôn đều do đội ngũ giáo viên của nhà trường đảm nhiệm và không mất chi phí. Đến với trường THCS Mường Luân hôm nay chúng ta có thể cảm nhận được môi trường học tập ở nơi đây khá khang trang và quy củ với đầy đủ các phòng chuyên môn, phòng chức năng và năm học 2016 – 2017 nhà trường sẽ phấn đấu trở thành trường chuẩn quốc gia mức độ I đầu tiên của xã.


Bên cạnh nguồn lực bằng cách xã hội hóa của chính quyền xã và phụ huynh học sinh nhà trường còn vận động các thầy cô giáo đóng góp ngày công, sức lao động.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, huyện Điện Biên Đông đã được đầu tư nhiều công trình phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng với điều kiện của huyện nghèo nhu cầu vẫn còn khá lớn, cơ sở vất chất phục vụ phát triển sự nghiệp giáo dục còn thiếu; nhiều trường các thầy cô giáo, học sinh vẫn phải học tập trong những ngôi nhà tạm, bợ khi trời mưa, gió khá vất vả, làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giáo dục.

Huyện Điện Biên Đông có 57 trường, với 20 nghìn học sinh, trong đó học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú chiếm gần 40%. Do đặc điểm của địa hình rộng, dân cư sống rải rác để đáp ứng nhu cầu học tập của con các đồng bào dân tộc rất cần đầu tư xây dựng nhiều điểm trường học lẻ tại các bản. Vì vậy, số lượng các trường ở các điểm bản còn tạm bợ khá lớn.

Theo số liệu thống kê, huyện còn thiếu trên 200 phòng học, phòng chuyên môn, nhà công vụ và nhà ở nội trú. Để có đủ cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu phát triển giáo dục trên địa bàn huyện cần rất nhiều nguồn vốn đầu tư của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên, với điều kiện của một huyện nghèo khó có khả năng tự đầu tư, nguồn vốn vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách của trung ương. Vì vậy, trong những năm qua, với chính sách cắt giảm đầu tư công của Chính Phủ số trường học, phòng học được đầu tư xây dựng mới trên địa bàn không nhiều. Nhiều phòng học đã bị xuống cấp và không đảm bảo cho việc học tập. Để giải bài toán về xóa các phòng học tạm, nhà nội trú tạm, nhà công vụ tạm bợ từ năm học 2015 -2016, huyện Điện Biên Đông đã xây dựng kế hoạch và giải pháp xóa các phòng, nhà tạm bằng việc xây dựng các phòng theo mô hình 3 cứng.

Với mô hình 3 “cứng” là Mái cứng, khung cứng và nền cứng và giá trị của phòng không quá 50 triệu đồng. Với giá tiền ít ỏi để có thể xây dựng được những phòng học chắc chắn huyện Điện Biên Đông đã huy động nguồn lực khác từ công tác xã hội hóa. Theo đó, huyện bỏ tiền ra mua nguyên vật liệu như: Xi măng, tôn, khung sắt và gạch, nhân dân và đội ngũ thầy giáo đóng góp ngày công lao động và cát sỏi.
 
Với nguồn tiết kiệm chi và sự đóng góp công sức của đội ngũ giáo viên, nhân dân trên địa bàn từ năm 2016 đến nay, Điên Biên Đông đã xây dựng được 106 phòng theo mô hình 3 cứng. Việc hoàn thiện các phòng theo mô hình 3 cứng đã cơ bản phần nào xóa được các phòng tạm, trường tạm, giúp cho thầy và trò các trường được giảng dạy, học tập trong môi trường thuận lợi hơn. Có được phòng học kiên cố chịu được thời tiết mưa bão, các nhà trường có điều kiện đưa các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Cùng với đó, Ban giám hiệu các trường nâng cao công tác chỉ đạo hoạt động chuyên môn, chất lượng giáo dục – đào tạo của huyện nghèo Điên Biên Đông từng bước được nâng lên.
 
Mặc dù, chưa thật sự là một giải pháp hữu hiệu những việc huyện Điện Biên Đông triển khai xây dựng các phòng học, nhà công vụ, nhà ở nội trú theo mô hình 3 cứng đã góp phần tích cực vào việc cải thiện cơ sở vật chất trường lớp học ở huyện nghèo. Không chỉ có vậy, với nguồn lực đầu tư của nhà nước còn hạn chế thì mô hình 3 cứng cho thấy cách làm sáng tạo mà huyện Điện Biên Đông đã làm để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện trình độ dân trí, từ đó làm nền tảng để xây dựng huyện nghèo ngày một khởi sắc./.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây