Nghề làm giấy thủ công từ tre non của người Mông xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông
- Thứ năm - 21/10/2021 14:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đồng bào dân tộc Mông bao đời nay vốn sinh sống trên những thung lũng, sườn đồi vùng núi cao, họ luôn biết tận dụng những vật liệu sẵn có của thiên nhiên để làm một số vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt, như: lấy trúc, tre để đan lu cở, trồng lanh dệt vải... Đặc biệt, nghề làm giấy được bà con duy trì, bởi sản phẩm của nghề luôn gắn với cuộc sống tâm linh của đồng bào dân tộc Mông.
Giấy của người Mông làm ra không phải để viết, mà được dùng trong các ngày lễ tết, thờ cúng... Vào dịp lễ tết, những mảnh giấy được cắt nhỏ ra dán vào các góc nhà, cột nhà, những vật dụng trong sinh hoạt, có ý nghĩa như niêm phong, kết thúc năm cũ và chào đón năm mới với mong muốn những điều tốt đẹp, an lành, may mắn cho các thành viên của gia đình trong năm mới. Điều đặc biệt là giấy của người Mông sẽ được dùng để treo lên tường ở giữa nhà, có gắn ít lông cổ của gà trống lên đó, là bàn thờ để cúng tổ tiên, nơi linh thiêng, hàng năm vào dịp tết năm mới, người Mông sẽ thay lại giấy mới, người Mông quan niệm đó là sự thể hiện lòng báo hiếu của con cháu với tổ tiên, dòng họ, cầu mong cho con cháu có cuộc sống an lành, hạnh phúc, ấm no, có nhiều tiền tài và thành đạt trong cuộc sống.
Trong cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông nói chung và người Mông ở Tìa Dình – Điện Biên Đông nói riêng, làm giấy luôn gắn với công việc thường ngày.
Trong cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông nói chung và người Mông ở Tìa Dình – Điện Biên Đông nói riêng, làm giấy luôn gắn với công việc thường ngày.
Em: Giàng Thị Linh bản Tìa Dình 1 múc nước bột tưới lên mặt khuôn, hình ảnh những khung giấy đang phơi tại các nhà trong 2 bản Tìa Dình
Bà Giàng Thị Sua, bản Tìa Dình 2, xã Tìa Dình người nhiều năm làm giấy, cho biết: Việc làm giấy không cầu kì và tỷ mỉ như một số nghề truyền thống khác nhưng lại cần đúng quy trình, khi bắt đầu chuẩn bị làm giấy, đầu tiên sẽ phải chuẩn bị một cái khung hình chữ nhật, đóng đinh ở các góc cạnh và gắn vào trong khung sẽ là một mảnh vải dệt bằng lanh hoặc vải bông, đây là hai loại vải dễ thoát nước trong quá trình đem ra phơi ngoài trời.Bà Giàng Thị Sua, bản Tìa Dình 2 đang gỡ giấy ra khỏi khung vải
Nguyên liệu và cách làm: Đầu tiên lên rừng chọn loại tre non chưa có lá mỏng, đưa về chặt ngắn ra theo kích cỡ của nồi nấu, trẻ thành thanh mỏng như que đóm rồi cho vào nồi ninh nhừ lên, phải đun từ 2 - 3 ngày mới được. Vừa đun vừa cho thêm tro bếp vào cho tre nhanh nhừ, thỉnh thoảng lại đưa ra ngoài đập, vừa đập vừa rũ vào chậu nước để các tờ tre tan ra, phần nào tan trước thì tráng giấy trước, cho tới tận khi cả nồi tre nhừ thành bột. Khuôn tráng giấy được kê lên cao để cho thoáng, thoát nước nhanh, bột tre được quấy kỹ, cho nhiều nước cho thật loãng, dùng 1 cái muôi múc nước bột tưới lên mặt khuôn, tưới xong 1 lượt nếu chưa đều phải lấy 1 chiếc thìa nhỏ tưới vào những chỗ chưa có. Trong quá trình tưới, nước chảy hết, trên mặt khuôn đọng lại lớp bột và tơ tre, tráng xong rồi mang khung đã tráng ra phơi.
Nguyên liệu chính là những đốt tre, nứa non
Ngày nay, theo sự phát triển của xã hội, nghề làm giấy của người Mông đang bị mai một dần, những người biết làm giấy không nhiều, để gìn giữ nghề làm giấy, một trong những nét đặc sắc văn hóa trong đời sống tâm linh của người Mông, những người lớn tuổi luôn nhắc nhở và dạy bảo con cháu mình cần phải học cách làm giấy từ thế hệ trước để lại, để bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống cho các thế hệ mai sau. Và không phải gia đình người Mông nào cũng làm giấy nhưng trong tất cả các bản của xã Tìa Dình đều vẫn duy trì nghề này vì sản phẩm giấy đã đi vào tâm linh của họ, là sự gắn kết giữa người sống với tổ tiên và nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn.
Có thể trong cuộc sống hiện đại, nhiều thứ người Mông có thể ra chợ mua được. Nhưng mỗi dịp tết đến, xuân về hầu hết bà con vẫn tự làm giấy như một thói quen thể hiện lòng thành kính. Vì vậy, bảo tồn nghề làm giấy thủ công cũng chính là bảo tồn một nét văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc Mông.
Có thể trong cuộc sống hiện đại, nhiều thứ người Mông có thể ra chợ mua được. Nhưng mỗi dịp tết đến, xuân về hầu hết bà con vẫn tự làm giấy như một thói quen thể hiện lòng thành kính. Vì vậy, bảo tồn nghề làm giấy thủ công cũng chính là bảo tồn một nét văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc Mông.