Là địa bàn vùng cao, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, huyện Điện Biên Đông luôn chú trọng công tác phổ biến, truyền thông, giáo dục pháp luật cho học sinh. Nội dung truyền thông, giáo dục pháp luật tập trung vào các chủ đề: An toàn giao thông, phòng chống buôn người, tội phạm ma túy, vật liệu cháy nổ, tảo hôn… Hình thức tuyên truyền khá đa dạng, tạo thuận lợi cho học sinh tiếp nhận thông tin.
CSGT huyện Điện Biên Đông truyền thông “Tuổi trẻ Việt Nam nói không với tai nạn giao thông” tại Trường Tiểu học thị trấn Điện Biên Đông.
Ông Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông cho biết: Phòng quản lý 51 trường với tổng số 22.610 học sinh. Phòng Giáo dục kết hợp với các đơn vị, lực lượng như: Cảnh sát giao thông (CSGT), đại lý xe máy Honda... triển khai truyền thông, giáo dục pháp luật tới học sinh, đưa vào chương trình thường niên. Việc truyền thông, phổ biến pháp luật tại các trường được thực hiện phù hợp, hấp dẫn, dễ tiếp thu với hình thức, nội dung khác nhau; phù hợp với tình hình thực tiễn, độ tuổi, đặc thù văn hóa trên địa bàn. Thông qua tiếp xúc, trao đổi, giải đáp thắc mắc của lực lượng thi hành pháp luật tới học sinh đã góp phần giảm thiểu vi phạm pháp luật, gia tăng kiến thức, hiểu biết của học sinh.
Hướng dẫn, phân tích kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh Trường THPT Mường Luân.
Các chương trình truyền thông tại trường học được kết hợp triển khai từ tọa đàm, hỏi đáp, sân khấu hóa bằng tiểu phẩm, tình huống… Qua đó truyền tải kiến thức về pháp luật một cách dễ hiểu, dễ tiếp thu tới đông đảo học sinh; giúp học sinh có kiến thức nhất định về pháp luật, định hướng suy nghĩ, ứng xử và hành vi trong cuộc sống.
Thầy giáo Nguyễn Đức Lập, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Điện Biên Đông cho biết: Trường quản lý 360 học sinh, học sinh thường cách nhà 3 - 4km nên thường được bố mẹ đưa đón, đi bộ hoặc đi xe điện. Từ tháng 9, sau khai giảng năm học mới vài ngày trường đã kết hợp tổ chức tuyên truyền ATGT tới học sinh. Ngoài ra, trường thực hiện tuyên truyền, vận động phụ huynh và học sinh không sử dụng phương tiện giao thông không phù hợp, không giao xe gắn máy, xe máy điện cho học sinh khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Hiện tại 100% học sinh của trường không sử dụng, điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi. Đa số học sinh chuyển sang sử dụng các phương tiện phù hợp như xe đạp, xe đạp điện hoặc đi bộ nếu nhà gần trường.
Em Ly Tiến Mạnh, học sinh lớp 8A3, Trường THCS thị trấn Điện Biên Đông chia sẻ: Do nhà xa nên em thường tự điều khiển phương tiện di chuyển tới trường. Sau khi được thầy cô, các chú CSGT hướng dẫn em mới biết em chưa đủ tuổi điều khiển xe máy điện. Hiện tại xe máy điện đã được thay bằng xe đạp để em đến trường đảm bảo an toàn giao thông.
Tập huấn về kỹ năng lái xe đối với thầy và trò Trường THPT Mường Luân.
Tại các trường học, sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh, học sinh ký kết chấp hành an toàn giao thông được tổ chức từ đầu năm học. Ngoài đảm bảo ATGT, việc tìm hiểu, tuyên truyền, phổ biến pháp luật được triển khai rộng khắp.
Thầy giáo Tường Hải Quân, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Na Son chia sẻ: Trường có hơn 300 học sinh, đa số là đồng bào dân tộc Mông, Thái. Ngoài các buổi truyền thông được tổ chức thường niên, trong các tiết chào cờ, ngoại khóa, sinh hoạt, thầy, cô giáo đều lồng ghép tuyên truyền giúp học sinh hiểu biết, nắm vững nội dung, quy định như: Không sử dụng vật liệu cháy nổ, tránh xa ma túy, bạo lực học đường, không tảo hôn… Qua đó hình thành tư duy, lối sống lành mạnh, thượng tôn pháp luật cho học sinh.
Sân khấu hóa các tiểu phẩm nhằm đưa kiến thức về pháp luật tới học sinh trong các buổi ngoại khóa.
Trung tá Nguyễn Tuấn Đức, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Điện Biên Đông cho biết: Trong năm Công an huyện, Đội CSGT đã tổ chức thực hiện phối hợp truyền thông về pháp luật tới 36 trường thuộc ba cấp học (THPT, THCS, tiểu học) trên địa bàn với trên 17.000 học sinh tham gia. Thông qua các buổi truyền thông đã tác động tích cực tới sự hiểu biết, chấp hành pháp luật của học sinh. Số vụ việc vi phạm pháp luật, ATGT của học sinh giảm so với năm trước. Từ đầu năm chỉ ghi nhận 42 trường hợp vi phạm ATGT trên địa bàn.
Nhờ sát sao công tác truyền thông, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng lứa tuổi, địa bàn đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của đông đảo học sinh về thực hiện và chấp hành pháp luật. Từ kiến thức được trang bị không chỉ giúp học sinh bảo vệ bản thân trước những cám dỗ, tệ nạn xã hội mà còn hình thành nhân cách, hành vi ứng xử đúng mực, đúng pháp luật.