Cô giáo cắm bản trên đỉnh mù sương

Thứ sáu - 24/05/2024 09:14
Đặt chân đến nơi xa xôi nhất của Tổ quốc ở Tây Bắc vào những ngày mưa như trút nước mới thấm thía sự vất vả của các cô giáo trẻ cắm bản
Cô Lường Thị Duyên (bên phải) và cô Sủng Thị Sua (bìa trái) vui chơi cùng các con trong lớp học

Trên đỉnh mù sương, chỉ có tình yêu thương của các cô mới đủ tiếp thêm niềm tin, động lực để phụ huynh mỗi ngày vượt núi băng đèo đưa trẻ đến lớp.
Dạy học ở vùng cao xa xôi có trăm vàn gian khó. Và vẫn còn đó những cô giáo trẻ chọn gieo chữ nơi vùng khó ấy, vẫn đang ngày đêm cần mẫn với sự nghiệp trồng người.

Kiên cường bám lớp, bám trường

Từ Hà Nội để đến được điểm trường mầm non Nà Sản A ở xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) phải vượt hơn 500km đường núi, đèo quanh co, uốn lượn.
Thời điểm này ở Xa Dung, những cơn mưa rào có thể ào đến bất chợt. Đã quen với cảnh mưa gió nhưng những đứa trẻ non nớt đôi khi cũng sợ tiếng sấm đì đoàng mỗi khi trời mưa gió như quăng quật.
Quá giờ trưa, cô Lường Thị Duyên (24 tuổi) và Sủng Thị Sua (23 tuổi) vẫn đang vỗ về các bạn nhỏ, ôm chúng vào lòng. Trong phòng, tiếng nhạc át tiếng mưa, ru con trẻ vào giấc ngủ ngon. "Những ngày mưa lớn, các con rất sợ nên các cô càng phải vỗ về, làm sao đảm bảo an toàn nhất cho các con" - cô Duyên chia sẻ.
Nơi bản vùng cao, cuộc sống còn khó khăn nhiều lắm nên đường đến trường của học sinh cũng rất gian nan. Bằng tình yêu thương, hai cô giáo trẻ ấy vẫn ngày ngày bám trường, bám lớp, vượt khó để cùng bà con chăm sóc cho các em học sinh vùng cao.

Cô giáo Lương Thị Duyên
 
Là người dân tộc Thái, những ngày đầu đến Nà Sản A, cô Duyên chưa giao tiếp được bằng tiếng Mông. Mỗi khi lên lớp, cô lúng túng vì không hiểu những đứa trẻ đang muốn biểu đạt điều gì. Vậy là cô quyết tâm học tiếng Mông cho bằng được.
Ngày chăm trẻ, tối Duyên nhờ một vài giáo viên người Mông dạy cho học tiếng của đồng bào. Mỗi ngày cô nỗ lực luyện nói, tập viết, luôn tìm cách nói chuyện với bà con địa phương. Kết quả là "đã biết gần hết tiếng Mông rồi, các con nói gì giờ cũng hiểu" như cô khoe.
Hơn hai năm cắm bản, hạnh phúc nhất với cô giáo trẻ khi mỗi ngày được nhìn thấy những gương mặt hào hứng của các con vì được đến trường "ăn no cái bụng".
"Nhiều lúc thấy biết ơn vì mình còn trẻ, còn được đi đến vùng sâu vùng xa để thấy tuổi trẻ của mình thật đẹp và đáng quý biết bao" - Duyên cười.
Đường đi có khó thật nhưng ngày trước các cô giáo của mình còn gặp khó khăn hơn gấp nhiều lần. Mình rất vui vì được ở đây làm việc, được dạy học cho những em nhỏ ở gần bản làng mình sinh ra.

"Còn trẻ, mình cứ đi thôi"

Cô giáo Sủng Thị Sua

Vừa tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm 2, Sủng Thị Sua đã xung phong về vùng khó công tác. Cuối năm 2023, Sua được phân công về dạy ở điểm trường Nà Sản A.
Trong tâm trí cô giáo vừa ra trường khi ấy chỉ có một suy nghĩ: "Mình còn trẻ, cứ đi thôi, vào chỗ sâu chỗ xa trước, đi để học hỏi, để biết nhiều hơn".
Với vốn tiếng Mông sành sỏi, Sua đã chuẩn bị kỹ hành trang lên đường. Cô nhớ ngày đầu tiên vượt núi, băng đèo đến lớp. Đường vào bản phải vượt qua nhiều dốc núi cao, ngày nắng bụi mịt mù.
Nhưng gian nan nhất vào những ngày mưa, đường lên bản trơn trượt, đầy sình lầy. Tay lái mới của cô giáo không thắng nổi những đoạn cua khúc khuỷu. Vậy là Sua ngã sõng soài ra đường.
"Ngã nhiều lần lắm, nhưng ngã rồi lại đứng dậy đi tiếp. Vào đến trường lại khóc một trận thật to" - cô giáo người Mông nhớ lại.
Hỏi có khi nào thấy khó quá mà từng nghĩ đến việc bỏ cuộc không? Cô giáo trẻ thật thà đúng là cũng đã nhiều lúc từng phải tự đấu tranh với bản thân rằng đường xấu thế này, xa thế này chắc thôi không đi nữa, không làm nữa, chắc bỏ việc về làm nương với mẹ.
Nhưng Sua bảo suy nghĩ ấy chỉ là thoáng qua thôi. Bởi trên đường đi, cô giáo trẻ thường nhớ đến gương mặt hồn nhiên của những đứa trẻ tươi vui mỗi ngày chờ cô đến lớp. Nghĩ thế thôi lại thấy thêm động lực tiếp tục an tâm bám bản. Rồi Sua nhớ đến hình ảnh những cô giáo vùng cao đã từng khắc sâu vào tâm trí của những đứa trẻ nơi bản làng xa tít tắp.
Sua nhớ lại những ngày vượt núi, băng rừng đi tìm con chữ. Chính tình yêu thương của các cô giáo cắm bản đã chắp cánh ước mơ cho những đứa trẻ vùng cao như Sua, như Duyên. Để khi lớn lên, hai cô gái trẻ ấy quả quyết rằng mình phải tiếp nối nghề giáo, muốn góp sức mình ươm trồng những mầm non, gieo mầm sáng thắp lửa cho bản làng vùng cao.
Nói về hai cô giáo trẻ ấy, cô Quàng Thị Hoan - phó hiệu trưởng phụ trách Trường mầm non Xa Dung - đánh giá các cô rất yêu nghề, mến trẻ, đã quen dần và hết sức tận tâm chăm sóc, dạy dỗ các em nhỏ mỗi ngày. Nhà trường vẫn luôn động viên để các cô yên tâm bám lớp, bám trường.

Hết sợ vượt núi cheo leo

Hơn sáu tháng gắn bó ở điểm trường mầm non Nà Sản A, cô giáo trẻ Sủng Thị Sua đã tập nhớ từng đoạn đường dốc, mỏm đá trơn trượt. Thế nên Sua bảo giờ mình đã tự tin hơn mỗi lần chạy xe máy ngược lên đỉnh cheo leo gieo chữ.
Còn Lường Thị Duyên sau hai năm cắm bản tự nhận mình đã dạn dày kinh nghiệm trong từng cung đường uốn lượn nên dí dỏm "giờ chẳng nề hà gì về đường sá đi lại nữa rồi nha". Từ nhà đến trường phải vượt hơn 55km nên cứ chiều chủ nhật, Duyên một mình bon bon xe máy ngược lên đỉnh Xa Dung đi dạy.
Hai cô giáo gen Z ấy chỉ mong mỗi ngày được đón đầy đủ học sinh đến lớp, được gặp và trò chuyện với phụ huynh đã là những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời nhà giáo của mình. "Tụi mình muốn nhìn thấy các bạn nhỏ vùng cao được đến lớp, nỗ lực học hành để sau này quay về giúp đỡ, phát triển quê hương của mình" - Duyên bày tỏ.
 

Tác giả bài viết: HÀ THANH

Nguồn tin: tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

FANPAGE NGÀNH
LIÊN HỆ

Quản trị

Vũ Văn Thọ


LIÊN KẾT WEBSITE

 

 

 

 

THÀNH VIÊN
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập49
  • Hôm nay4,509
  • Tháng hiện tại227,476
  • Tổng lượt truy cập4,466,052
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây