Nâng cao chất lượng giáo dục

Thứ hai - 27/04/2020 21:50
Điện Biên Đông là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, có địa hình chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Điều kiện sống khó khăn của người dân đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp phát triển giáo dục. Mặc dù vậy, trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo huyện đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Xóa phòng học tạm
Nâng cao chất lượng giáo dục

Trong những năm qua, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước huyện Điện Biên Đông đã được đầu tư nhiều các công trình phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với điều kiện của một huyện nghèo thì nhu cầu cơ sở vật chất vẫn còn khá lớn. Đặc biệt là cơ sở vất chất phục vụ phát triển giáo dục còn thiếu; nhiều trường các thầy cô giáo, học sinh vẫn còn phải ở, học tập trong những ngôi nhà tạm bợ. Đặc biệt là mỗi khi mưa gió nhiều trường đã phải cho học sinh nghi học vì điều kiện không đảm bảo an toàn cho cả thầy và trò nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ, chất lượng giáo dục. Hiện trên địa bàn huyện Điện Biên Đông có 57 trường, với 20 nghìn học sinh, trong đó học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú chiếm gần 40%. Do đặc điểm địa hình rộng, dân cư sống rải rác, thưa thớt nên để đáp ứng được nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc thì cần phải đầu tư xây dựng nhiều điểm trường lẻ tại các bản. Đa số các lớp học tại các điểm bản còn tạm bợ, nhiều điểm trường còn tình trạng không có phòng học phải học nhờ tại các nhà văn hóa bản hoặc nhà dân. Nhiều phòng học cũ đã bị xuống cấp không bảo đảm cho việc dạy và học. Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn huyện Điện Biên Đông còn thiếu hơn 200 phòng học, phòng chuyên môn, nhà công vụ và nhà ở nội trú.


Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông Cù Huy Hoàn

Ông Cù Huy Hoàn - Trưởng phòng GD - ĐT huyện Điện Biên Đông cho biết: Để giải bài toán về xóa các phòng học tạm, nhà  nội trú tạm, nhà công vụ tạm bợ, từ năm học 2015 - 2016 huyện Điện Biên Đông đã xây dựng kế hoạch và giải pháp xóa các phòng, nhà tạm bằng việc xây dựng các phòng học theo mô hình 3 cứng đó là: Mái cứng, khung cứng và nền cứng. Với mức đầu tư cho mỗi phòng không quá 50 triệu đồng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, huyện bỏ tiền ra mua nguyên vật liệu như: Xi măng, tôn, khung sắt và gạch; nhân dân và đội ngũ thầy, cô giáo đóng góp ngày công lao động và cát sỏi.

Với nguồn tiết kiệm chi từ việc hạn chế hội họp, tham quan học tập... và sự đóng góp công sức của đội ngũ giáo viên, nhân dân, lòng hảo tâm của các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, từ năm 2016 đến nay huyện Điên Biên Đông đã xây dựng được 460 phòng theo mô hình 3 cứng.  Trong đó, 194 phòng lớp học, 122 phòng công vụ, 107 phòng nội trú và 27 phòng chức năng.

“Việc hoàn thiện các phòng học theo mô hình 3 cứng đã cơ bản phần nào xóa được các phòng học tạm, trường tạm, giúp cho thầy và trò các trường có được điều kiện học tập tốt và an toàn. Có được phòng học kiên cố, các trường có điều kiện đưa thiết bị, máy móc hỗ trợ giảng dạy nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục - ông  Hoàn nói.

Đẩy mạnh phát triển giáo dục

Hầu hết các xã thuộc huyện Điện Biên Đông đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Phong tục tập quán, nhận thức của nhân dân ở một số thôn bản, xã vùng cao về công tác giáo dục còn hạn chế, ảnh hưởng lớn đến công tác huy động, duy trì số lượng và đảm bảo tỉ lệ chuyên cần, cũng như chưa có sự quan tâm đầy đủ điều kiện học tập của học sinh.


Giáo dục mầm non huyện Điện Biên Đông

Những năm qua, Phòng GD - ĐT đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tập trung quán triệt và thực hiện tốt chỉ thị nhiệm vụ năm học, triển khai nhiệm vụ các cấp học, các lĩnh vực công tác chỉ đạo, phù hợp với tình hình thực tế của huyện. Duy trì, củng cố hệ thống mạng lưới giáo dục; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Hiện nay, Phòng đang quản lý 57 trường với 814 lớp, 20.815 học sinh, trong đó có 19 trường mầm non, 23 trường tiểu học và 15 trường THCS với 25 trường phổ thông dân tộc bán trú (13 trường tiểu học và 12 trường THCS). Đặc biệt, Phòng GD - ĐT Điện Biên Đông còn có 28/57 trường đạt trường chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 49,1%, trong đó có 7 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 11 trường THCS.

Nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao chất lượng giáo dục Phòng GD - ĐT huyện tập trung đổi mới phương pháp dạy học gắn với dạy học theo đối tượng vùng miền, tăng cường dạy học 2 buổi/ngày; đẩy mạnh việc giáo dục rèn kỹ năng sống, tăng cường vốn tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số tại các trường mầm non, tiểu học. Cùng với đó, huyện thực hiện đổi mới nội dung, hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục theo hướng thực chất và coi đây là khâu đột phá trong nâng cao chất lượng giáo dục. Các trường tổ chức tốt hoạt động nuôi dưỡng học sinh bán trú, nội trú, gắn với thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ lứa tuổi nhà trẻ; duy trì các hoạt động ngoại khóa thu hút học sinh đến trường.

Cũng theo Trưởng phòng GD - ĐT huyện Cù Huy Hoàn: Mô hình trường học bán trú đã thực sự nâng cao chất lượng giáo dục của huyện vùng cao như Điện Biên Đông. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường cấp tiểu học đạt 100%, cấp trung học cơ sở đạt 95%. Đặc biệt, đối với học sinh ở bán trú, ngoài việc học, thông qua các hoạt động trồng cây, tăng gia sản xuất, các em được rèn luyện thêm kỹ năng sống và tự biết chăm sóc bản thân mình hơn khi sống xa nhà.Toàn huyện Điện Biên Đông có 27 trường phổ thông dân tộc bán trú; số học sinh bán trú theo Nghị định 116 là 6.500 em. Huyện đã chú trọng thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số. Huyện ưu tiên đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông dân tộc bán trú; triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách đã ban hành đối với học sinh bán trú; tích cực xây dựng, củng cố và tăng số trường phổ thông dân tộc bán trú.

Tác giả bài viết: Thu Hoài

Nguồn tin: www.daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

FANPAGE NGÀNH
LIÊN HỆ

Quản trị

Vũ Văn Thọ


LIÊN KẾT WEBSITE

 

 

 

 

THÀNH VIÊN
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập9
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay368
  • Tháng hiện tại215,712
  • Tổng lượt truy cập2,871,904
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây