PHÒNG GIÁO DỤC HUYỆN ĐIỆN BIÊN ĐÔNG - TỈNH ĐIỆN BIÊN

https://pgddienbiendong.edu.vn


Phát triển năng lực vận dụng kiến thức Hóa học cho học sinh trường phổ thông DTNT THPT huyện Điện Biên Đông qua hệ thống bài tập phần phi kim – chương trình Hóa học cơ bản lớp 10

Tác giả: Nguyễn Thị Linh - Giáo viên trường PT DTNT THPT huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
1. Lí do chọn đề tài

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký và ban hành ngày 4/11/2013 có nêu rõ:

1- Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

2- Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học. Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp.

3- Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

4- Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan. Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng.

5- Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hoá, hiện đại hoá giáo dục và đào tạo.

Từ các quan điểm trên có thể khẳng định: “Nâng cao dân trí - Đào tạo nhân lực – Bồi dưỡng nhân tài” luôn là nhiệm vụ trung tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo. Sự nghiệp giáo dục ngoài việc truyền thụ kiến thức cho học sinh (HS) còn cần chú trọng tới nhu cầu của xã hội và sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật. Để làm được điều đó mỗi giáo viên (GV) cần tập trung rèn luyện kĩ năng áp dụng các kiến thức được học vào thực tiễn cuộc sống để giải quyết các vấn đề mà ngày thường các em luôn gặp phải. Đó là nhiệm vụ với bộ môn Hóa học nói riêng.

Các tài liệu học tập ngày nay chủ yếu là sách viết về các chuyên đề hay nội dung cụ thể của các chương trình học hay cấp học, chưa có nhiều tài liệu giúp HS phát triển năng lực vận dụng kiến thức (NLVDKT) đã học vào thực tiễn cuộc sống. Do đó, HS sau khi ra trường thường có kĩ năng yếu/kém khi xử lý các tình huống trong cuộc sống.

Để phát triển năng lực cho mỗi người phải được bắt đầu từ giai đoạn giáo dục ở cấp cơ sở. Vì vậy, việc tuyển chọn và xây dựng hệ thống các bài tập có tính ứng dụng thực tiễn cho HS là một trong những vấn đề cấp thiết cần đặt ra cho ngành giáo dục.

Trong dạy học hóa học, bài tập được sử dụng rộng rãi nhằm hệ thống hóa kiến thức, kỹ năng, rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bài tập hóa học (BTHH) xa rời thực tiễn, quá chú trọng vào các thuật toán mà chưa quan tâm đến bản chất hóa học làm giảm giá trị của chúng. Các bài tập chứa đựng những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống còn rất thiếu.

Làm thế nào để phát triển NLVDKT cho HS? Liệu việc xây dựng hệ thống bài tập định hướng phát triển NLVDKT vào thực tiễn có giúp cải thiện hiệu quả dạy học hay không? Đó là mối quan tâm của nhiều thầy, cô giáo và các cấp quản lý giáo dục. 

Bạn đọc có thể xem chi tiết hoặc tải về sáng kiến này tại đây
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây