Chung sức chăm lo giáo dục ở Điện Biên Đông

Thứ sáu - 01/05/2020 20:03
Bằng nhiều giải pháp phù hợp, sáng tạo, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) đã huy động tốt các nguồn lực để triển khai kiên cố hóa trường, lớp học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Cách làm nhiều sáng tạo của một trong những địa phương nghèo nhất cả nước trong việc bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp cũng gợi mở những cách làm hay, phù hợp cho các địa phương khác.

Chung sức chăm lo giáo dục ở Điện Biên Đông

Nhà công vụ giáo viên Trường tiểu học Chiềng Sơ, xã Chiềng Sơ.

Cộng đồng chung sức

Nắng - mưa. Sự đan xen giữa những khoảng trời lúc nắng chói chang, khi mịt mù mây, mưa khiến con đường ngoằn ngoèo dốc núi từ trung tâm huyện Điện Biên Đông đến bản Nậm Mắn, xã Chiềng Sơ càng trở nên trắc trở. Thế nhưng sự khó khăn đó, không cản được bước chân học sinh đến trường đón chào năm học mới. Từ khi Trường tiểu học Chiềng Sơ được xây dựng cứng hóa ở bản Nậm Mắn đã tạo nên “cú huých” cho giáo dục nơi đây. Thầy giáo Nguyễn Đức Long, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chiềng Sơ chia sẻ: Trước năm học 2018 - 2019, điểm chính của trường ở vị trí gần trung tâm xã, trên diện tích chỉ hơn 800 m2 với năm phân khu, ngay bên bờ sông Mã. Mỗi khi mùa mưa đến, nước dâng, dòng sông Mã cuộn chảy, hung dữ, thì nỗi lo an toàn cho học sinh lại nhân lên, năm học 2016 - 2017 đã có một học sinh không may bị chết đuối. Trong khi đó, với 24 thôn bản, trải khắp các triền núi cao, nhiều học sinh ở bản xa đi học cách nhà hơn 20 km như Háng Tàu, Thẩm Chẩu... khiến cho mong mỏi về một ngôi trường rộng rãi, an toàn, không tranh tre, nứa lá luôn canh cánh trong lòng những thầy giáo, cô giáo nơi đây.

Học sinh Trường tiểu học Pá Vạt, xã Mường Luân trong giờ đọc sách tại thư viện. Ảnh: QUÝ TÙNG

Khó khăn không làm những ai quan tâm, chăm lo cho giáo dục chùn bước. Huyện ủy, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cấp chính quyền địa phương, các thầy giáo, cô giáo vào cuộc tích cực để biến ước mong thành hiện thực. Mấy tháng liền, thầy hiệu trưởng cùng Chủ tịch UBND xã đi tìm vị trí phù hợp và vận động người dân hiến đất xây trường. Ban đầu, khi đặt vấn đề hiến đất với các hộ dân, đều nhận được cái lắc đầu: “Đất sản xuất lúa, ngô của tao đấy, lấy đi sao được”. Thế nhưng, những ngày lặn lội đến từng thôn bản, từng hộ dân của các thầy giáo, cô giáo, cùng sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, người dân cũng hiểu và đồng tình ủng hộ. Nói như ông Lò Văn Hơn, người hiến hơn 4.000 m2 đất xây trường thì: “Đất đấy nó không mất đi mà lại có cái chữ cho các con thì ủng hộ thôi”. Kết quả, bảy gia đình ở bản Nậm Mắn hiến gần 11.570 m2 đất sản xuất để xây dựng trường học.

Có được diện tích mặt bằng, đích thân Bí thư Huyện ủy Vừ A Bằng lại đi vận động tài trợ được cả chục tỷ đồng để xây dựng trường. Có diện tích, kinh phí nhưng để giảm chi phí xây dựng trường, lớp, chính quyền địa phương và nhà trường huy động cán bộ, giáo viên, người dân chung tay góp sức xây dựng với mục tiêu “cứng hóa được chỗ nào, tốt cho việc dạy học chỗ đó”. Vì vậy, suốt một thời gian dài, cán bộ địa phương, thầy giáo, cô giáo và người dân cùng tham gia xây dựng trường học. Với khoảng 4.000 ngày công được huy động cùng các nguồn lực, tổng số 21 phòng học “ba cứng” (nền cứng, tường cứng, mái cứng), 10 phòng công vụ giáo viên, phòng nội trú của học sinh và con đường bê-tông rộng 2,5 m, dài 600 m dẫn vào trường được hoàn thành. Trường tiểu học Chiềng Sơ “thay da, đổi thịt” hoàn toàn khi học sinh các lớp 3, 4, 5 được huy động ra điểm trường chính bảo đảm các điều kiện học tập tốt hơn; 100% số học sinh được học hai buổi/ngày. Năm học mới 2019 - 2020 này với 706 học sinh, trường sẽ tổ chức bán trú được cho 415 học sinh.

Rời Chiềng Sơ, vẫn qua những núi, đèo cheo leo, đến Trường tiểu học Pá Vạt (xã Mường Luân) đang gấp rút xây dựng, hoàn thiện thêm một số phòng học kiên cố để đưa vào sử dụng. Thấy tôi chăm chú nhìn từng tốp thợ mải miết xây, trát khi trời nắng nóng, Phó Hiệu trưởng trường Trần Thị Huệ cười: Thợ bán chuyên nghiệp mà khéo tay lắm anh ạ.

- Sao lại là thợ bán chuyên nghiệp vậy cô giáo?

- Đó đều là các thầy giáo, cô giáo trong trường, tranh thủ thời gian nghỉ tham gia xây dựng để giảm chi phí, tăng diện tích phòng, lớp học được cứng hóa - cô Huệ giải thích.

Cũng theo cô giáo Huệ, Trường tiểu học Pá Vạt có một điểm chính Pá Vạt và hai điểm lẻ Na Ca, Na Pục. Chuẩn bị cho năm học mới 2019 - 2020, trường được huyện đầu tư vật liệu để xây dựng thêm các phòng học kiên cố nhưng cái khó nhất là diện tích đất chật hẹp, kinh phí thuê các đội thợ xây chuyên nghiệp khó khăn. Thực hiện chủ trương xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm, sau một thời gian ngắn cán bộ, giáo viên và người dân đã hiến hơn 1.200 m2 và tham gia hàng trăm ngày công lao động xây dựng phòng, lớp học. Thấy có khách đến, thầy giáo Mai Thanh Linh cũng chỉ dừng tay vài phút rồi lại tay bay, tay thước thoăn thoắt như người thợ xây chuyên nghiệp. Với 14 năm gắn bó, từ khi trường còn tranh, tre, nứa lá, hiểu được những thăng trầm, khó khăn của ngành giáo dục nơi đây cho nên thầy giáo Linh bảo: “Làm được việc gì đỡ chi phí, tăng phòng học cho các con thì cố gắng thôi anh ạ”. Vì vậy, khi có chủ trương mở rộng trường, gia đình thầy Linh đã tự nguyện hoán đổi ruộng cho người dân lấy 700 m2 đất kề bên để hiến xây dựng phòng, lớp học. Bước vào năm học mới 2019 - 2020, Trường tiểu học Pá Vạt sẽ có thêm năm phòng học kiên cố và ba phòng dự kiến sẽ hoàn thiện khi học kỳ một kết thúc.

“Trái ngọt” mùa khai trường

Như một sợi dây kết nối, phong trào chung sức xây dựng trường, lớp học lan tỏa rộng khắp các cơ quan, trường học, thôn bản của huyện Điện Biên Đông. Theo Bí thư Huyện ủy Vừ A Bằng, xây dựng chuẩn hóa theo quy định thì quá tốt nhưng không thể cứ trông chờ nguồn lực Nhà nước, bởi nhu cầu cứng hóa trường, lớp học vùng cao là rất lớn. Vì vậy, bài toán huy động nguồn lực xã hội hóa ở huyện Điện Biên Đông được đặt ra để đi tìm lời giải. Thông qua các mối quan hệ cá nhân, tổ chức, mỗi cán bộ, giáo viên kêu gọi, vận động các nguồn lực bên ngoài ủng hộ, tài trợ xây dựng trường, lớp học. Đối với nội lực của huyện, nguồn xã hội hóa chủ yếu thông qua vận động hiến đất, huy động ngày công lao động. Đặc biệt, cách xây dựng trường, lớp được tính toán để vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng vừa bảo đảm kinh phí thấp để xây dựng được nhiều trường, lớp cứng hóa. Nếu xây một phòng học kiên cố theo đúng quy chuẩn thì tốn 500 đến 600 triệu đồng, thì với mô hình lớp học “ba cứng” ở Điện Biên Đông vẫn bảo đảm sạch sẽ, an toàn trong dạy học mà trị giá chỉ khoảng 60 triệu đồng. “Với vùng cao nhiều phòng học tranh, tre nứa lá, nền đất bụi bẩn, hè đến nắng hắt, đông về gió lạnh lùa, thì những phòng học “ba cứng” cũng là niềm mong mỏi, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học của thầy, trò vùng cao lắm rồi” - Bí thư Huyện ủy Vừ A Bằng chia sẻ.

Bằng những cách làm linh hoạt, hiệu quả và với tâm huyết hết lòng vì sự nghiệp trồng người của đội ngũ cán bộ, giáo viên nơi đây, phong trào xã hội hóa, chung tay chăm lo cơ sở vật chất cho giáo dục ở huyện Điện Biên Đông ngày càng được nhân rộng. Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông Nguyễn Thị Hường, từ năm 2014 đến 2019, từ nguồn lực của các tổ chức, cá nhân bên ngoài huyện tài trợ cho xây dựng trường, lớp học được khoảng 50 tỷ đồng. Ngoài ra, phong trào hiến đất, đóng góp ngày công cũng được cán bộ, giáo viên, người dân hưởng ứng tích cực. Điển hình như Trường tiểu học Na Ngua, huy động người dân hiến 1.470 m2 đất, 350 m3 cát, 460 ngày công; Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tìa Dình huy động 600 ngày công; Trường tiểu học Tìa Dình huy động được 1.000 m2 đất hiến, 350 ngày công, 30 m3 cát; Trường tiểu học Tà Té huy động được hơn 400 ngày công; Trường tiểu học Sư Lư 1.000 m2 đất… Chỉ tính riêng từ tháng 8-2018 đến 5-2019, công tác xã hội hóa trên địa bàn huyện đã hoàn thành xây dựng 32 phòng học bán kiên cố, 17 phòng nội trú học sinh, 10 phòng công vụ giáo viên, 29 công trình vệ sinh, 793 m2 sân bê-tông…

Những nỗ lực và cách làm sáng tạo trong xã hội hóa đã góp phần cho giáo dục huyện Điện Biên Đông đang có những chuyển biến tích cực, nhân lên những niềm vui trong mùa tựu trường. Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Điện Biên Đông đề ra đến hết năm 2020, có 70% trường bán trú trên địa bàn. Tuy nhiên, bước vào đầu năm học 2019 - 2020, tỷ lệ đó đã vượt chỉ tiêu đề ra. Toàn huyện có 480 phòng công vụ giáo viên, 292 phòng nội trú; số phòng học kiên cố là 584, bán kiên cố 346 và phòng học mượn, tạm chỉ còn 76 phòng. Đáng chú ý, đến nay, huyện Điện Biên Đông có 29 trong tổng số 57 trường đạt chuẩn quốc gia; cơ sở vật chất bảo đảm tốt cho nên tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 99,3%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100% số trẻ trong độ tuổi...

Tác giả bài viết: MẠNH XUÂN VÀ LÊ LAN

Nguồn tin: www.nhandan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

FANPAGE NGÀNH
LIÊN HỆ

Quản trị

Vũ Văn Thọ


LIÊN KẾT WEBSITE

 

 

 

 

THÀNH VIÊN
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay1,760
  • Tháng hiện tại217,104
  • Tổng lượt truy cập2,873,296
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây