Hưởng ứng phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh Điện Biên

Thứ tư - 06/05/2020 10:51

Hưởng ứng phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh Điện Biên

Trong những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên gặt hái nhiều thành công, là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh. Đây là kết quả của phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” được triển khai thực hiện quyết liệt, sâu rộng, hiệu quả, thật sự là động lực để ngành phát triển, là biện pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục.
Toàn ngành có 526 Công đoàn cơ sở (CĐCS) và 16.142 cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ), Công đoàn ngành Giáo dục trực tiếp quản lý 39 Công đoàn cơ sở, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện, thị, thành phố chỉ đạo 487 CĐCS các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Sau khi giải thể các Công đoàn Giáo dục cấp huyện, thị, thành phố, Công đoàn ngành Giáo dục đã tích cực phối hợp với LĐLĐ các huyện, thị, thành phố trong việc chỉ đạo các hoạt động công đoàn theo đặc thù ngành nghề.
Trong giai đoạn hiện nay, công cuộc đổi mới đất nước ngày càng đi vào chiều sâu và toàn diện trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội. Do đó yêu cầu đào tạo ngày càng nhiều nguồn nhân lực có chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã và đang đòi hỏi sự nghiệp giáo dục phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện. Trong bối cảnh sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học công nghệ đòi hỏi người giáo viên phải có và không ngừng nâng cao khả năng tự học và sáng tạo để đủ năng lực làm thầy và có thể làm tốt nhiệm vụ là người hướng dẫn các em học sinh tự học và sáng tạo. Chính vì thế, nhằm góp phần khẳng định vị trí quan trọng và trách nhiệm của nhà giáo hiện nay, tiếp tục cụ thể hóa việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”; thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” do Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Ngay từ khi nhận được các văn bản chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động của Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công đoàn ngành Giáo dục phối hợp với Lãnh đạo Sở thành lập Ban chỉ đạo các phong trào thi đua, cuộc vận động do Giám đốc Sở làm trưởng ban, Chủ tịch Công đoàn ngành và các Phó Giám đốc Sở làm phó ban, các Trưởng phòng Sở làm ủy viên. Ban chỉ đạo đã tiến hành họp phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị thực hiện. Trong những năm qua, các phong trào thi đua, cuộc vận động được đông đảo cán bộ quản lý và nhà giáo hưởng ứng, tham gia tích cực, góp phần tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập Quốc tế.
Hàng năm, Công đoàn cơ sở phối hợp với chính quyền triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động gắn liền với triển khai nhiệm vụ năm học, đồng thời thường xuyên lồng ghép tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng ở các nhà trường.
Với các hình thức tuyên truyền phong phú như tọa đàm, hội thảo, hội thi, pano, áp phích, tờ rơi,… đã đem lại hiệu quả thiết thực. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên các cấp lãnh đạo từ Sở đến lãnh đạo các nhà trường và các nhà giáo đều thấm nhuần ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của các phong trào thi đua, cuộc vận động.
Các khẩu hiệu: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Dạy tốt, học tốt” , “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” được đặt trang trọng ở vị trí thích hợp, ở tiền sảnh, trong phòng hội đồng, nơi bảng tin để mọi người thường xuyên nhìn thấy. Nhiều đơn vị đã sáng tạo trong hình thức tuyên truyền đem lại hiệu quả thiết thực.
Có thể nói từ khi có phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đội ngũ nhà giáo và cán bộ trong ngành đã có chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động góp phần đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của tỉnh ngày càng phát triển.
Ngành GD&ĐT đã phát động phong trào phát huy sáng kiến, đổi mới quản lý, đổi mới phương thức dạy học, tổ chức hội thảo hội giảng từ cấp cơ sở đế cấp tỉnh. Các nhà trường và đội ngũ giáo viên đã nhiệt tình hưởng ứng. Sự sáng tạo được thể hiện qua từng tiết dạy, qua việc quản lý học sinh và quản lý đội ngũ. Cán bộ, giáo viên đã có nhiều cố gắng cải tiến, đổi mới trong quá trình giáo dục như tích hợp, lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng sống vào bài dạy, đẩy mạnh việc làm và sử dụng đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng đem lại hiệu quả thiết thực.
Từ những hướng dẫn của Công đoàn ngành Giáo dục, các đơn vị trường học đã xây dựng văn bản phối hợp giữa chuyên môn và công đoàn nhằm cụ thể hóa cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” tại đơn vị mình và triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú. Đưa nội dung cuộc vận động vào chương trình kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học, gắn nội dung cuộc vận động với phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, phong trào xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa; tổ chức phổ biến, trao đổi ý kiến về nội dung phong trào thi đua, cuộc vận động, tìm ra mặt mạnh, mặt yêu để đề ta nội dung phấn đấu, rèn luyện của từng đơn vị, cá nhân. Từ những hướng dấn và kế hoạch cụ thể của từng đơn vị, phong trào thi đua và cuộc vận động đã được đông đảo CBNGNLĐ trong ngành hưởng ứng góp phần tạo sự chuyển biến trong xây dựng đội ngũ. Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã đạt được những hiệu quả to lớn:
1. Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo
Qua triển khai nội dung các phong trào thi đua, cuộc vận động đã góp phần tạo sự chuyển biến của đội ngũ nhà giáo về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo; nâng cao ý thức thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng để không ngừng nâng cao trình độ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của người thầy trong thời kỳ mở cửa hội nhập và phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ. Công đoàn ngành Giáo dục vận động CBNGNLĐ viết bài tham gia trên cổng thông tin của Sở GD&ĐT; kẻ khậu hiệu “Dạy tốt, học tốt”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” ở các trường học nhằm động viên đội ngũ nhà giáo tích cực tham gia phong trào thi đua và cuộc vận động. Các đơn vị cụ thể hóa phong trào thi đua và cuộc vận động tại đơn vị, tiến hành kiểm tra, đánh gá việc triển khai thực hiện, từ đó rút kinh nghiệm tiếp tục chỉ đạo thực hiện; phát động viết bài giới thiệu những tấm gương tiêu biểu, tập hợp giới thiệu, tuyên truyền đến các trường trong tỉnh. Bên cạnh đó các đơn vị đã gắn cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” với “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Tổ chức cho CBNGNLĐ học tập nghiêm túc, đầy đủ các chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sửa đổi tác phong, lề lối làm việc, viết thu hoạch đạt chất lượng theo yêu cầu. Nhiều đơn vị đã tổ chức tọa đàm về tấm gương “Đạo đức - tự học và sáng tạo” của Bác trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của minh, từ đó động viên mỗi CBNGNLĐ học tập theo gương Bác với những nội dung cụ thể. Hầu hết các đơn vị đều cử giáo viên tham gia Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở các cấp; Một vấn đề mà qua hầu hết các cuộc hội thảo, tọa đàm đều được nêu ra đó là cái “Tâm” của người thầy; qua hầu hết các ý kiến tổng hợp được đều cho thấy “Tâm” chính là một yêu cầu cơ bản, đặc trưng của người thầy. Chính cái “Tâm” sẽ là cơ sở cho lòng nhân ái của người thầy. Cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã nói: "Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu". Bởi vì người thầy phải có lòng nhân ái, vị tha đối với học sinh của mình, luôn giữ được sự khoan dung, lòng độ lượng, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh với tinh thần "tất cả vì học sinh thân yêu".
2. Nâng cao ý thức tự học và sáng tạo của cán bộ, nhà giáo
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức, người cán bộ, giáo viên phải thường xuyên tự học, tự rèn cả về chuyên môn nghiệp vụ, lẫn nhận thức chính trị. Bởi vì để đào tạo những con người lao động sáng tạo đòi hỏi người thầy phải không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng và cả tính sáng tạo. Người thầy phải xem việc tự học vừa là quá trình tự hoàn thiện mình vừa để nêu gương cho người học. Từ thực tế đó, trong những năm qua phong trào đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn giảng và quản lý đã được đông đảo cán bộ, nhà giáo tích cực hưởng ứng. Nhiều trường đã thực hiện tốt việc dự giờ, thao giảng, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, đẩy mạnh xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện; tổ chức các lớp bồi dưỡng tin học cho CBNGNLĐ.
Phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm được đẩy mạnh, trong 5 năm qua có 7 nghìn sáng kiến kinh nghiệm được đánh giá, xếp loại và áp dụng tại cơ sở; 29 sáng kiến cấp tỉnh và được công nhận có phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh, có 03 đề tài khoa học cấp tỉnh, có 01 dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh
Phong trào tự học, tự rèn cũng được phát động, tổ chức ở các đơn vị như phong trào thăm lớp dự giờ, hội giảng, hội thi giáo viên giỏi các cấp được tổ chức thường xuyên và hiệu quả, tham gia phong trào đổi mới phương pháp dạy - học; những đợt hội thi đổi mới phương pháp dạy - học, hội nghị chuyên đề về chuyên môn bao giờ cũng thu hút đông đảo giáo viên nhiệt tình, tích cực tham gia.
3. Kết quả từ các phong trào thi đua, cuộc vận động
Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” được gắn với các phong trào của toàn ngành như phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, phong trào "2 giỏi", cuộc vận động "dân chủ hóa trường học", "xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa"… đã góp phần duy trì và phát triển phong trào thi đua, các bậc học ở các địa phương đều có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, ý thức học tập, rèn luyện của học sinh có tiến bộ hơn. Từ năm 2015 -2020, Sở GD&ĐT tổ chức 05 cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh với 405 sản phẩm của học sinh cấp THCS, THPT đạt giải; tham gia cuộc thi cấp quốc gia có 12 sản phẩm đạt giải (2 giải nhất, 4 giải ba, 6 giải khuyến khích). Tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” do Bộ GD&ĐT các năm 2018, 2019 tổ chức có 01/02 dự án tham gia đạt giải khuyến khích; tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 15 năm 2019 đạt 01 giải Nhất, 01 giải Ba, có 8.335 lượt học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9,10,11 và các môn thi giải toán trên máy tính cầm tay lớp 11, kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 12 và các môn thi giải toán trên máy tính cầm tay lớp 9, lớp 12 cấp tỉnh; có 99 học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT (01 giải nhất, 13 giải nhì, 40 giải ba, 45 giải khuyến khích).
Phong trào thi đua không chỉ duy trì phát triển ở vùng thuận lợi, mà ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn cũng đã có những vươn lên rõ nét. Nhiều thầy, cô đã phấn đấu liên tục nhiều năm liền là GV giỏi, CSTĐ. Đây là những hạt nhân, nòng cốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, là những tấm gương sáng cho học sinh và cả đồng nghiệp noi theo: Kết quả từ năm 2015 - 2020 có 1.362 giáo viên cấp mầm non, phổ thông được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Trong 5 năm, đã có 01 tập thể đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; 13 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động các hạng; 09 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”; đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” cho 14 nhà giáo trong năm 2020; 20 tập thể được tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; 76 tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 141 lượt tập thể được nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh; 1.311 lượt tập thể được UBND tỉnh công nhận danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc''; 15 cá nhân được UBND tỉnh công nhận CSTĐ cấp tỉnh; 1.121 lượt tập thể và cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen; 21 lượt tập thể nhận được Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 202 lượt tập thể và cá nhân được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen; 1.826 cá nhân được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”; 3.326 lượt tập thể được Sở GDĐT, UBND huyện công nhận danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, 60.480 lượt cá nhân được công nhận danh hiệu lao động tiên tiến, 6.891 lượt cá nhân được công nhận chiến sỹ thi đua cơ sở; 2.557 tập thể và 12.207 cá nhân được tặng giấy khen. Tổng LĐLĐ VN tặng Cờ thi đua cho 5 tập thể, Bằng khen cho 25 tập thể và 25 cá nhân, LĐLĐ tỉnh tặng Cờ thi đua cho 20 tập thể, tặng Bằng khen cho 230 tập thể và 410 cá nhân.
Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" của ngành, Công đoàn ngành tặng Giấy khen cho 06 tập thể, 10 cá nhân trực thuộc Sở tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động.
Thành quả đạt được của ngành Giáo dục trong những năm qua là tín hiệu vui, là tiền đề vững chắc để ngành triển khai cụ thể hóa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020. Để thực hiện thành công đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành cần phải quyết liệt hơn, mỗi thầy, cô giáo phải không ngừng phấn đấu để đáp ứng yêu cầu rèn đức, luyện tài; có như vậy mới đưa sự nghiệp giáo dục của tỉnh tiến xa hơn nữa./.

Tác giả bài viết: Phạm Thị Thanh Bình

Nguồn tin: SGD

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LIÊN HỆ

Quản trị

Vũ Văn Thọ


LIÊN KẾT WEBSITE

 

 

 

 

THÀNH VIÊN
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay4,027
  • Tháng hiện tại128,875
  • Tổng lượt truy cập2,785,067
FANPAGE NGÀNH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây